* Tổng quan về huyện Long Điền: 

Long Điền là một huyện ven biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông giáp huyện Đất Đỏ, phía Tây giáp thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa. Huyện Long Điền được thành lập theo Nghị định số 152/2003/NĐ-CP, ngày 09/12/2003 của Chính phủ trên cơ sở tách ra từ Huyện Long Đất cũ. Long Điền là một trong 08 đơn vị hành chính của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có diện tích tự nhiên 7.700 ha. Huyện Long Điền có 2 thị trấn: Long Điền, Long Hải và 5 xã: xã An Ngãi, Tam Phước, An Nhứt, Phước Tỉnh, Phước Hưng.

* Về kinh tế:

Trên toàn địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch. Trong đó có 02 Khu du lịch, resort đạt chuẩn 4 sao (Long Hải Beach Resort và Anoasis Beach Resort), 02 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 01 khách sạn 01 sao, 01 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp.

Trên địa bàn huyện có 08 chợ, trong đó có 03 chợ loại II là Long Điền, Long Hải, Phước Tỉnh; 04 chợ loại III là An Ngãi, Tam Phước, An Nhứt, Phước Lâm và Chợ Hải Sơn - thị trấn Long Hải đã được xã hội hoá do Công ty TNHH Hùng Hưng đầu tư quản lý.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực đứng thứ hai trong cơ cấu kinh tế của huyện. Toàn huyện hiện có 587 cơ sở sản xuất, gia công chế biến và một số làng nghề truyền.

Long Điền là huyện hội tụ các tiềm năng để phát triển ngành đánh bắt và chế biến hải sản. Hải sản là ngành mũi nhọn chủ lực của huyện với sản lượng đánh bắt trên dưới 60.000 tấn/năm- đứng đầu toàn tỉnh. Cảng cá Phước Tỉnh hiện nay là cảng cá lớn nhất tỉnh luôn tấp nập tàu thuyền ra vào, đi đôi với đánh bắt hải sản là các dịch vụ và các ngành nghề khác có điều kiện phát triển như: cung ứng xăng dầu, dịch vụ cung cấp nước ngọt, sản xuất nước đá, đóng sửa tàu thuyền, cơ khí sửa chữa, các mặt hàng hải sản đông lạnh như: cá khô, nước mắm..., chế biến thức ăn gia súc. Tổng số tàu thuyền đánh bắt bắt hải sản của huyện lên 1.716 chiếc với tổng công suất trên 313.000CV. Trong đó, xã Phước Tỉnh có 1.231 chiếc và thị trấn Long hải có 485 chiếc.

* Về văn hóa – xã hội

Tổng số trường học trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện nay là: 41 trường. Trong đó có: 04 trường Trung học phổ thông, 10 trường THCS, 15 trường Tiểu học và 12 trường Mầm non; trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra có 55 nhóm trẻ ngoài công lập; đã được tỉnh công nhận hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi; không có học ca 3.

Huyện có một Trung tâm văn hóa thể thao huyện và 06 Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng cấp xã; có 01 Trung tâm y tế huyện, 02 phòng khám khu vực, 07 trạm Y tế xã, thị trấn; 01 nhà hát Long Điền.

Huyện có 09 dân tộc thiểu số như Khmer, Nùng, Tày, chăm, Hoa, Sán chay, Châuro,… Tổng số hộ dân người dân tộc 436 hộ, với 1.885 nhân khẩu. Phần lớn người đồng bào DTTS không sống tập trung thành từng vùng mà sinh sống đan xen hoà nhập với công đồng người Kinh

Toàn huyện có 07 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Chùa Long Bàn của thị trấn Long Điền và Dinh Cô Long Hải của thị trấn Long Hải); 05 di tích cấp tỉnh (Đình thần Long Điền, Trường Văn Lương, Tổ đình Thiên thai và Đình thần Hắc Lăng, Mộ Châu Văn Tiếp, Chùa Long Hòa). Hiện nay huyện đang đề nghị tỉnh công nhận thêm 02 di tích là Núi Chân Tiên và Bàu Thành là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; đồng thời huyện đang củng cố hồ sơ đề nghị công nhận di tích đối với Mộ Bà Rịa.

Có 47 cơ sở thờ tự Phật giáo; 07 giáo xứ và 10 nhà dòng Thiên chúa giáo; 02 Thánh thất và 01 Họ đạo Cao đài.

* Về du lịch:

Thị trấn Long Hải là một địa phương ven biển có diện tích 10,94 km2 với hơn 8 km bờ biển, phía Bắc giáp xã Phước Hưng, phía Tây giáp xã Phước Tỉnh thuộc huyện Long Điền, phía Đông giáp với núi Minh Đạm, phía Nam giáp với biển Đông. Thị trấn Long Hải nằm trên trục Tỉnh lộ 44 nối liền với Quốc lộ 51, với vị trí địa lý thuận lợi nên có nhiều điều kiện trong việc quan hệ kinh tế với các vùng lân cận và cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển.

Bãi biển Long Hải là một bãi biển sạch đẹp, nước biển trong xanh. Nối liền với bãi biển Long Hải là đèo Nước Ngọt, nơi có núi đá vươn ra biển khơi như thách thức biển cả mênh mông cùng những đợt sóng tạo nên phong cảnh nên thơ, hùng vĩ. Mỗi độ xuân về, từ trên đèo Nước Ngọt nhìn xuống, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước bức tranh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên với màu tím trắng của hoa đào, màu xanh của núi rừng uốn lượn chạy dài ra tận biển khơi.

Đến với Long Hải, du khách có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của biển cả, được đắm mình trong dòng nước thiên nhiên. Tại đây có hai khu resort đạt chuẩn 04 sao đó là Long Hải Beach resort và Anoasis resort và một khu biệt thự du lịch đạt chuẩn là An Hoa residence. Đây là những nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, đầy đủ các dịch vụ, là nơi du khách có thể thả hồn mình vào biển trời non nước, trên những bãi cát trắng mịn, lắng nghe tiếng sóng vỗ dạt dào và tận hưởng không khí trong lành. Dọc theo bờ biển là hàng dương soi bóng mát, phong cảnh hữu tình, tinh khiết giữa biển trời mêng mông bao la, làm xao xuyến cả lòng du khách.

"Ai về nhắn gửi giùm ta

Long Hải cát trắng mặn mà tình thương"

Trong năm, Dinh Cô có nhiều lễ cúng vào dịp Tết Nguyên đán, Tam nguyên, Đoan ngọ nhưng lớn nhất, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất là ngày giỗ Cô, ngư dân Long Hải gọi là Lệ Cô hay ngày Vía Cô. Ngày Vía Cô tổ chức nhiều hoạt động như hát bội, các trò chơi dân gian nên gọi là lễ hội Dinh Cô. Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đến với lễ hội Dinh Cô không chỉ có người dân Long Hải mà còn có cả ngư dân các làng cá ven biển ở các vùng lân cận và đông đảo du khách ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Sự kết hợp tham dự lễ hội, thỉnh cầu và tạ ơn bà Cô cũng là dịp nghỉ ngơi, tắm biển Long Hải càng làm cho lễ hội Dinh Cô có số người tham dự vào loại đông nhất trong các lễ hội ở khu vực miền Đông Nam Bộ và cả nước.